Đang tải...

Giá trị của tôi ở đâu?

Thảo luận trong 'Phong Cách Sống - Tận Hưởng Cuộc Sống' bắt đầu bởi nocavo (cold), 23/2/17.

  1. nocavo (cold)

    nocavo (cold)

    Bài viết:
    30
    Đã được thích:
    125
    Điểm thành tích:
    18
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Trường Chinh- Đống Đa- Hà Nội
    Seri này gồm 3 truyện mình để link ở dưới

    #1 Entry - Giá trị của tôi ở đâu? - trueman
    #2 Entry - Hãy đốt thuyền đi! - trueman
    #3 Entry - Lỗi lầm vẫn là anh...- trueman



    Tích tắc, tích tắc...


    Chiếc đồng hồ kêu trong đêm thâu từng tiếng rành rọt. Giờ đã là hơn 12h khuya, chàng trai vẫn ngồi đó, mắt gần như vẫn không dời khỏi chiếc điện thoại được quá 5 phút đồng hồ. Anh ta đang đợi một tin nhắn, hoặc một cuộc gọi. Tất nhiên, từ một cô gái.
    Đó là một cô gái xinh xắn dễ thương mà cậu ta vừa mới gặp đầu tuần. Và như nhiều chàng trai khác,cậu ta đã thích cô bé ngay từ hôm ấy, sau một buổi chiều vui vẻ mà cả hai đã ở bên nhau. Tối hôm đó, họ đã nhắn tin cho nhau suốt đêm. Cuối cùng, vào hôm kia, chàng trai đã quyết định gửi tin nhắn rủ nàng đi chơi vào ngày thứ bảy tuần này. Cô gái đồng ý. Ngay lập tức, chàng trai vội vã lên lịch hẹn và gửi tin nhắn đi một lần nữa.
    Sau tin nhắn đó, chàng trai không nhận được bất kỳ hồi âm nào, kể cả sau 2 tin nhắn thêm. Và vì thế, tối nay cũng như tối hôm qua,bồn chồn mất ăn mất ngủ chờ một cái tin. Tất cả những suy nghĩ của cậu ta, giờ đang ngập ngụa trong một đống những câu hỏi hỗn loạn: "Tại sao cô ấy không gọi điện cho mình? Mình đã làm gì sai à? Hay là có người khác đã nhanh tay hơn? Bây giờ mình phải làm sao? Hay máy cô ấy hỏng? Mình có nên nhắn thêm vài tin cho chắc?...."


    Nếu như có một người bạn như trong câu chuyện trên, tôi chắc chắn sẽ nói thẳng với cậu ta rằng: "Ngồi nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại cũng chẳng thể khiến cô ta gọi cho cậu được đâu! Mà làm sao cậu phải tốn thời gian cho một người không quan tâm tới mình? Chàng trai ơi, giá trị của cậu đâu rồi?"

    Có biết bao nhiêu lần tôi đã từng nghe những câu hỏi đại loại như: "mình rất thích em ấy, không có em ấy mình không sống nổi, hoặc: cô ấy quá tầm với của mình, thật đấy, cô ấy là hot girl còn mình chỉ là một chàng trai bình thường như bao chàng trai khác mà thôi. Hay là: mình chưa có sự nghiệp, tiền bạc, ngoại hình cũng tầm thường - làm sao mình có thể tự tin vào bản thân? Mình dựa vào cái gì mà tự tin, làm sao có thể tự lừa dối mình? "

    Những chàng trai ấy chưa nhìn ra được một thứ : giá trị thực sự của mình.

    Vậy bạn đã bao giờ một lần tự hỏi: đâu là giá trị thật của tôi trên thế giới này? Địa vị, tiền bạc, học thức hay danh tiếng? Nếu như tôi còn đang đi học, và chưa có những thứ đó phải chăng tôi là vô giá trị? Hoặc khi tôi nỗ lực để có tất cả những thứ đó rồi,phải chăng tôi sẽ khẳng định được giá trị của mình? Mà liệu giá trị của tôi có cần phải khẳng định, mà khẳng định bằng cách nào: có bằng cấp, có tài sản hay là được mọi người tôn trọng, đánh giá cao tôi mới có giá trị ?...

    Và như mọi lần ngồi một mình tự kỷ, nhâm nhi tách trà và suy nghĩ mọi thứ trên trời dưới đất, trueman cố gắng trả lời tất cả mớ câu hỏi hỗn độn đó, và sắp xếp lại sao cho rõ ràng và đơn giản nhất.

    Bây giờ, nếu như có thể trả lời: giá trị của một người đàn ông nằm ở đâu, thì tôi xin được chia thành ba loại: Giá trị cốt lõi, giá trị cá nhân và giá trị xã hội. Vậy ba giá trị đó là như thế nào? Liệu chúng có hoàn toàn tách biệt, hay có một mối liên quan chặt chẽ nào đó với nhau?
    Để giải thích nó thật dễ hiểu, trueman sẽ kể một câu chuyện ngắn (và chính chủ lol) :

    Có một hạt sồi nhỏ vừa mới nảy mầm, ngay bên cạnh một bụi cây. Ngày ngày, bụi cây nhìn nó và cười khẩy: "coi kìa, mày trông thật thảm hại làm sao? Nhỏ bé, yếu ớt -có lẽ chỉ một cơn mưa nhỏ cũng có thể vùi dập mày ngay tại chỗ được haha".
    Hạt sồi bé nhỏ không trả lời mà chỉ mỉm cười, nhẹ nhàng mà đầy kiêu hãnh.
    Một trăm năm sau, nó đã trở thành một cây sồi to lớn, mạnh mẽ nhất vùng. Phong ba bão táp chẳng hề lay chuyển được.
    Còn bụi cây ngày nào, như bao bụi cây khác - giờ nằm im ngoan ngoãn dưới chiếc bóng của cây sồi cổ thụ.


    Tại sao hạt sồi bé nhỏ lại mỉm cười đầy kiêu hãnh? Bởi vì nó biết giá trị cốt lõi của mình. Nó là một hạt sồi, và nó chắc chắn sẽ trở thành một cây sồi mạnh mẽ. Hạt sồi - chính là giá trị cốt lõi.
    Trải qua bao tháng ngày, qua bao mưa bão, từ hạt sồi yếu ớt ngày nào đã trở thành một cây cổ thụ vững trãi. Cây sồi mạnh mẽ ấy chính là giá trị cá nhân.
    Nhưng cây sồi kia không đứng một mình. Nó còn che chở cho những cây nhỏ khác xung quanh. Tán cây khổng lồ ấy chính là giá trị xã hội.

    Trong mỗi người đều ẩn chứa những khả năng tiềm tàng không ai có thể biết hết được. Cho dù ngày hôm nay bạn chưa có gì nổi bật, nhưng nếu bạn luôn giữ vững niềm tin và lý tưởng để phát triển giá trị cốt lõi ấy thành những giá trị cá nhân của bản thân, rồi sử dụng giá trị cá nhân ấy để đem lại lợi ích cho cộng đồng, trước hết là cho gia đình và bè bạn - thì chắc chắn, bạn sẽ tìm thấy giá trị thực sự của mình.

    Giải thích rõ hơn về 3 giá trị, mối tương quan và cách phát triển chúng theo quan điểm của trueman - tất cả sẽ được nói rõ hơn trong những phần tiếp theo:
    1. Giá trị cốt lõi
    2. Giá trị cá nhân
    3. Giá trị xã hội
    1. Giá trị cốt lõi

    Chàng trai ngại ngần nhìn về phía cô gái phía bên kia quán bar. Đó là một cô gái xinh đẹp với mái tóc tém cá tính và thân hình hấp dẫn. Cô gái chỉ ngồi một mình. "Cơ hội đây rồi, mình phải bước đến làm quen ngay"- chàng trai nghĩ thầm.
    Nhưng cuối cùng, cậu ta chỉ ngồi đó, giả vờ nhìn ngắm xung quanh, đôi khi quay sang liếc nhìn cô gái một chút. Rồi khi chợt bị ánh mắt nàng bắt gặp, cậu ta lại giả vờ quay mặt đi. Trong đầu cậu bây giờ lại nảy ra những ý nghĩ khác: "hot thế này chắc chỉ tới bar đi tìm đại gia thôi, mình không với tới đâu. Chắc gì bây giờ ra nói chuyện cô ấy lại chả đuổi mình về, thật là sẽ mất mặt lắm..."
    Và cậu ta cứ ngồi đó thêm 10, rồi 20 phút nữa... cho đến khi một chàng trai khác tiến tới và bắt chuyện một cách vui vẻ với cô gái. Chán nản và thất vọng với bản thân khi nhìn thấy cảnh đó, chàng trai bỏ ra về.


    Bây giờ, chúng ta hãy thử nhìn lại một lần nữa những gì xảy ra trong suy nghĩ của chàng trai trên:
    Đầu tiên, sự hấp dẫn của cô gái đã thôi thúc chàng trai tiến đến làm quen. Nhưng dần dần, chàng trai nhận thấy rằng cô ta quả thực rất hấp dẫn, đến mức gần như có thể khẳng định rằng cô ấy được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Có lẽ bản thân chàng trai kia FA, hoặc là không có nhiều vệ tinh và sức hút như cô gái kia. Và như một mặc định vốn đi sâu vào trong tiềm thức của nhiều người, điều đó có nghĩa giá trị của chàng trai thấp hơn cô gái kia nhiều.
    Mặt khác, chút tự trọng của một thằng đàn ông không cho phép anh ta chấp nhận điều đó. Và để giải quyết mối mâu thuẫn này, một ý nghĩ xấu đã được nghĩ ra để gán vào cô gái: mặc định cô gái kia chỉ là một trong số những cô gái thực dụng hám tiền, và do đó, chẳng đáng để anh ta tới làm quen! Kết quả: con cáo bỏ đi, đơn giản chỉ vì chùm nho kia chua quá.
    Đó là một sự thỏa hiệp với chính bản thân và một cách che dấu sự thiếu tự tin của mình: anh ta không coi đó (nói đúng hơn: không muốn coi đó) là một thất bại. Và chính xác những gì tôi có thể nói về anh chàng này ngay bây giờ: đó là một cách xử sự hèn nhát, rẻ tiền và không đáng mặt đàn ông.

    Nhưng hãy tạm thời dừng phán xét, mà đi sâu hơn một chút nữa bên trong tâm lý chàng trai: Nguyên nhân của sự thiếu tự tin chắc hẳn nhiều người cũng nhận ra là chàng trai cảm thấy giá trị của mình kém hơn cô gái nhiều. Bởi vì chàng trai so sánh giá trị hai người qua "số đuôi" mà mỗi người có thể có. Điều này cũng tương tự trong hầu hết những lĩnh vực khác trong đời sống: chúng ta cảm thấy giá trị của mình tăng lên đáng kể khi mọi người xung quanh tung hô ta, và cảm thấy nó tụt xuống một cách tồi tệ khi bị đánh giá thấp. Do đó, như một nhu cầu trong cuộc sống: chúng ta luôn tìm cách thu hút sự chú ý của mọi người, một số còn tìm cách trở thành cái lỗ rốn của vũ trụ. Điều đó cũng giải thích tại sao sự nổi tiếng lại hấp dẫn một cách khủng khiếp như vậy.

    Vậy suy nghĩ đó là đúng hay sai?
    Hãy giả sử bạn đang ngồi nói chuyện với lũ bạn, vì một lý do nào đó, một người bảo: "tao nói thật mày xấu trai quá, thảo nào tới giờ vẫn FA haha". Câu nói đó có làm thay đổi được gì không? Nó có thể làm bạn xấu trai đi không? Nó có tự nhiên làm mọc ra hai cái nốt ruồi trên má và ba cái mụn trên mũi không?
    Câu trả lời tất nhiên là không! Cho dù có nghe câu đó một trăm lần, bạn vẫn chính là bạn. À mà quên, giả sử như lúc ấy bạn nghe thế rồi nhăn mặt, bĩu môi chống chế thì đúng là bạn đang trở nên xấu xí hơn nhiều rồi đấy nhé :wink: . Thực tế mọi lời đánh giá bên ngoài sẽ không làm thay đổi bất kỳ một chút nào giá trị bên trong của bạn, nhưng nếu bạn không có đủ mạnh mẽ và tinh tế để tiếp nhận những đánh giá đó một cách phù hợp, bạn sẽ bị ám ảnh bởi nó mà tự (tôi nhấn mạnh là tự bạn chứ không phải ai khác) hạ thấp giá trị của bản thân.

    Vậy thì giá trị của bạn từ đâu mà ra?
    Giá trị đầu tiên là giá trị cốt lõi
    . Nó là khởi điểm và là nguồn gốc của mọi giá trị khác. Về căn bản, nó chính là những lý tưởng và tiêu chuẩn sống của bạn, bất chấp mọi tác động bên ngoài. Là niềm tin mà bạn sẵn sàng đấu tranh. Không có nó, bạn không thể xây dựng nên giá trị cá nhân, và khi không có giá trị cá nhân, sao bạn có thể tác động tới thế giới xung quanh bạn để tạo ra giá trị xã hội?

    Đó cũng là lý do tại sao nhiều chàng trai mặc dù có học thức và giàu có đôi khi vẫn thiếu hấp dẫn.
    Một là do họ thiếu giá trị cốt lõi: họ học vì gia đình muốn thế và tiền bạc do gia đình chu cấp. Họ có những giá trị cá nhân cao hơn phần lớn mọi người, nhưng họ thiếu giá trị cốt lõi. Như một thân cây to lớn nhưng gốc rễ thì yếu mềm, sẵn sàng đổ gục bất kỳ lúc nào. Trong thâm tâm, họ vẫn luôn luôn thiếu một sự tự tin, một sự chắc chắn vào bản thân.

    Hoặc là, họ không nhận thức được hết giá trị cốt lõi của mình. Họ sống có ý chí, có lý tưởng, tự mình dành lấy đia vị trong xã hội. Thế nhưng trong một lĩnh vực nào đó, ở đây là chuyện tình cảm - do những tác động, những nhận xét, đánh giá từ bên ngoài, họ đánh mất giá trị của mình và do đó, cũng đánh mất sự tự tin và hấp dẫn của bản thân. Khía cạnh này chúng ta cũng đã nói rõ ở trên.

    Thực ra khái niệm về giá trị này vốn hoàn toàn không hề mới. Ngàn năm trước Nho giáo đã định nghĩa giá trị này đối với mỗi người đàn ông - không kể tuổi tác, địa vị. Thế nên mới có câu: "đường đường là một trang nam tử"... Sinh ra là đàn ông, mỗi người đã mang trong mình một giá trị cốt lõi khổng lồ, một trách nhiệm lớn lao:
    Đã làm trai ở trong trời đất
    Phải có danh gì với núi sông.


    Còn nếu như bạn cảm thấy những lời trên đó còn to tát quá, thì hãy bắt đầu từ những điều sau:
    Đầu tiên là lòng tự trọng: tôi không để cho bất cứ ai có thể coi thường mình - nhất là con gái, tôi sẽ cho tất cả thấy tôi là người như thế nào.
    Sau đó là niềm tin: tôi tin vào sức mạnh và khả năng của bản thân, tôi sẽ không để niềm tin đó bị lung lay cho dù người khác có nói thế nào đi nữa.
    Cuối cùng là lý tưởng: tôi sẽ tìm thấy lý tưởng sống của cuộc đời và theo đuổi nó đến cùng, không ai có thể ngăn cản được tôi!

    Đó chính là những điều tạo nên giá trị cốt lõi của một người đàn ông, làm cho anh ta tự tin và từ đó sinh ra sức hút và sự hấp dẫn.
    2. Giá trị cá nhân

    Howard đang dùng bữa tối với gia đình Kate - bạn gái anh. Đây là lần đầu tiên cô giới thiệu anh với gia đình mình. Mặc dù cùng ngồi với mọi người trên bàn tiệc sang trọng, Howard - chàng phi công triệu phú vẫn cảm thấy chút gì đó khó hòa nhập với gia đình cô gái...

    - Vậy...làm sao anh có thể kiếm ra từng nấy tiền? - một người quay sang hỏi Howard.
    - Chúng tôi ở đây thực sự không quan tâm đến tiền - mẹ Kate nói thêm vào.
    - Đó là bởi vì các vị đã có sẵn rồi - Howard trả lời, làm Kate hơi ngỡ ngàng
    - Xin lỗi, cậu có thể nhắc lại? - bà mẹ hỏi lại.
    - Mọi người không quan tâm đến tiền, bởi vì mọi người đã luôn có sẵn nó rồi.
    Nhưng một số trong chúng ta phải làm việc để kiếm sống.
    Nói đến đây, tôi lại chợt nhớ ra còn nhiều việc phải làm với đống máy bay của mình.
    Xin lỗi.


    Howard đứng dậy, và rời bàn tiệc.

    Đó là một trích đoạn trong The Aviator, một phim ưa thích của tôi. Khi xem tới đoạn này, tôi luôn liên tưởng đến hai nhóm người khác nhau: một số thì coi trọng đồng tiền, số còn lại phủ nhận sự quan trọng của nó. Liên hệ với chủ đề của chúng ta - câu hỏi ở đây là: liệu tiền bạc có làm nên giá trị của một người đàn ông?

    Tôi thì suy nghĩ rất đơn giản: giá trị cá nhân của một người đàn ông là tất cả những thứ mà anh ta sở hữu, bao gồm: tiền bạc, năng lực và các mối quan hệ.

    Tôi thực sự rất thích tiền, và vì vài lý do mà tôi không hiểu được - nhiều người lại thù ghét nó? Thực tế là tất cả những người tôi yêu thương đều cần đến tiền: để đảm bảo một cuộc sống tốt, một ngôi trường tốt, một bác sĩ tốt... Tiền cũng có thể mua được nhiều thứ tuyệt vời: nó giúp tôi thực hiện ước mơ của mình, mua cho tôi sự tự do, giải phóng tôi khỏi những công việc mà tôi không thích...

    Một số người khi nói rằng đồng tiền là gốc rễ của tội lỗi, thường lấy ví dụ về nhưng kẻ buôn bán phi pháp, bất lương để kiếm tiền. Họ nhầm giữa hai khái niệm khác nhau: tiền bạc và địa vị xã hội.
    Địa vị xã hội ở đây không chỉ là chức vụ, danh hiệu- theo nghĩa rộng hơn, đó là những dấu hiệu để chứng nhận một người có giá trị cao hơn người khác: nhà to, xe đẹp, gái xinh, hàng hiệu... Nói đơn giản: địa vị xã hội là cái vỏ ngoài của giá trị.
    Tại sao mọi người lại ham muốn nó đến như thế? Rất dễ hiểu, vì vô cùng khó để có thể nhìn thấy giá trị của một người mà không thông qua những dấu hiệu bên ngoài. Bạn nói bạn thông minh sẽ chẳng khiến người khác tin hơn là khi bạn đưa ra bằng cấp của mình, chả ai nghĩ bạn thành đạt nếu bạn không có nhà lầu xe hơi, chả ai tin bạn đẳng cấp nếu như không có một hot girl bên cạnh khi dự tiệc...
    Nó sinh ra một mặt trái của xã hội chúng ta: thay vì cố gắng xây dựng giá trị bản thân và từ đó địa vị xã hội sẽ tự được tạo ra, người ta lại tìm cách mua cái vỏ bên ngoài.
    Và cách nhanh nhất, là dùng tiền, thật nhiều tiền. Từ đó mới sinh ra mong muốn kiếm tiền thật nhiều, kiếm tiền thật nhanh bất chấp tất cả. Từ đó mới sinh ra tội lỗi.

    Một yếu tố khác tạo nên giá trị cá nhân là năng lực. Năng lực, theo nghĩa rộng là tất cả những gì bạn sở hữu bên mình: kiến thức, kinh nghiệm, ý chí thậm chí sức khỏe ngoại hình cũng là năng lực của bạn. Kiến thức là những gì bạn thu thập được khi học tập, nghiên cứu. Kinh nghiệm là những gì bạn thu thập khi thực hành, khi làm việc, khi bạn thử những thứ mới, khi bạn trải nghiệm. Để giữ bạn theo đuổi mục đích và xây dựng thêm các giá trị của mình, bạn cần có ý chí và sức khỏe. Ngoại hình để giúp bạn thành công hơn trong những mối quan hệ.
    Không có bất kỳ yếu tố nào trong 5 điều trên là ít quan trọng cả.

    Một sự thật thú vị khác về năng lực bản thân: bạn thu lời ngay khi bạn bắt đầu đầu tư cho nó.
    Tại sao? Hãy thử tưởng tượng tôi đang đứng trước mặt bạn và ve vẩy mấy tờ cổ phiếu của một công ty: "mua đi anh bạn trẻ, nó là một công ty tuyệt vời với lợi nhuận tương lai khổng lồ, một con gà đẻ trứng vàng thực sự đấy". Bạn sẽ chỉ mua nó, đầu tư vào nó nếu như bạn tin tưởng nó sinh lời cho bạn, đúng không?
    Công ty đó tên là Năng lực bản thân. Khi bạn đầu tư vào nó, tức là bạn tin chắc nó sẽ sinh lời, tin rằng nó là một mối đầu tư tuyệt vời. Khi bạn đầu tư cho bản thân tức là bạn đã quyết định tin tưởng và yêu mến nó. Bạn càng đầu tư nhiều, bạn càng yêu bản thân hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa bạn nhận thấy bạn có giá trị hơn, và tự dưng bạn sẽ tự tin và hấp dẫn hơn!

    Yếu tố cuối cùng để tạo nên giá trị cá nhân là các mối quan hệ. Một số bạn trẻ không coi trọng yếu tố cuối cùng này, thậm chí có người còn khinh thường nó và cho rằng nó chỉ là một khái niệm khác của sự ăn bám và lợi dụng.

    Cái ý chí tự lập mà không dựa vào người khác ấy quả thực đáng quý lắm. Nhưng cái tôi muốn nói ở đây không phải là mối quan hệ theo kiêu chạy chọt, đút tiền hoặc tìm kiếm ô dù. Mối quan hệ thực sự rất đa dạng. Như trong một blog khác tôi đã từng viết:

    Chúng ta đang sống trong một xã hội với hơn 7 tỷ người - và tất cả được liên kết với nhau bằng những sợi dây vô hình: những mối quan hệ. Không ai sống một mình. Thành công và thất bại của mỗi chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào cách chúng ta đối xử với người khác ra sao.

    Dân kinh doanh hiểu điều này rất rõ: hầu hết những mối làm ăn đến trực tiếp, hoặc gián tiếp từ những mối quan hệ xã hội. Sự ủng hộ, giúp đỡ có thể đến từ các mối quan hệ với cấp trên, đồng hương, bạn bè, đồng nghiệp… Có quan hệ rộng, doanh nhân thường giải quyết công việc một cách dễ dàng, thuận lợi và có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề vốn được coi là rất khó khăn, phức tạp. Hầu hết mọi hoạt động kinh doanh ngày nay đều phải nhận được sự hậu thuẫn của các mối quan hệ. Thậm chí trong một vài lĩnh vực, nếu không có các mối quan hệ tốt, doanh nhân khó có thể thành công ngay cả khi nắm trong tay các nguồn tài lực dồi dào. Quan hệ tốt giúp cho công việc kinh doanh suôn sẻ hơn, nhận được nhiều ưu ái hơn người.

    Và mối quan hệ cũng là miếng ghép cuối cùng để hoàn thiện bức hình về giá trị cá nhân. Thực tế thì từ yếu tố này có thể sinh ra những yếu tố khác. Bạn có thể dùng tiền bạc để đầu tư cho năng lực bản thân, xây dựng các mối quan hệ. Và từ các mối quan hệ công với năng lực, bạn lại có thể kiếm ra tiền. Nó là một vòng tròn khép kín, tương hỗ cho nhau một cách chặt chẽ.
    3. Giá trị xã hội

    Hồi bé tôi đã thích vẽ vời, đầu tiên đơn giản chỉ là con gà con vịt, sau đó thì toàn máy bay chiến đấu với xe tăng đại bác. Nhớ hồi bé tí xíu, khi chán vẽ bằng bút chì màu, tôi đi tìm cái gì đó khác lạ để thử. Trong túi khi đó còn mỗi 2 nghìn - vốn để dành để mua ảnh Sôn gô ku để chơi ném dép với bọn bạn. May thế nào với 2 nghìn đấy tôi lại kiếm được một bộ màu nước bé tí xíu: có mỗi cây cọ con con với 3 màu duy nhất: đỏ, vàng, xanh dương. Có 3 màu thì vẽ được cái gì? Nhưng thôi cứ mua tạm về vậy. Màu đỏ thì cho cánh buồm, màu vàng tô ông mặt trời, màu xanh cho nước biển, thế mà nên một bức tranh. Sau đó, dần dà tôi biết pha vàng và xanh dương thành xanh lá, đỏ với vàng thành màu cam, hay xanh với đỏ lại thành màu tím, cứ thế dần dần, tôi vẽ được đủ thứ với 3 thỏi màu.

    Lớn lên chút nữa, tôi mới biết đến quy tắc 3 màu cơ bản : mỗi bức tranh dù có được vẽ lên từ trăm ngàn màu sắc, thì mỗi màu sắc đó đều có thể đc tạo ra từ 3 màu căn bản với một tỷ lệ nhất định, thế thôi. Và một điều đặc biệt nữa là: khi pha 2 màu căn bản bất kỳ ta luôn được một màu làm tôn lên màu thứ 3, và ngược lại. Lấy xanh dương pha với vàng ta có màu xanh lá, và màu này tương phản với màu thứ 3 còn lại là màu đỏ.

    Tôi tin quy tắc kỳ lạ này có thể áp dụng cho tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Nếu bạn đã từng theo dõi những bài viết trước đây của tôi, tôi luôn chia một vấn đề ra làm 3 phần khác nhau. Con số 3 đã trở thành con số tôi ưa thích. Và không có cách nào diễn đạt về giá trị xã hội tôt hơn là đặt nó trong mối tương quan giữa 2 giá trị còn lại:

    Giá trị xã hội là tất cả những thứ bạn cho đi mà không đòi hỏi.

    Bà tôi hồi xưa hay kể chuyện cổ tích lắm, thực ra tôi cũng không còn nhớ nội dung những câu chuyện đó ra sao, nhưng đại ý hầu hết là ở hiền gặp lành. Đạo Phật cũng nói giúp người nhiều thì kiếp sau sung sướng. Chúa thì khuyên làm việc thiện để được lên thiên đàng.

    Tôi sống là người thực tế nên không tin có chuyện cổ tích, kiếp sau với thiên đàng địa ngục thì càng không. Nhưng tôi biết những niềm tin đó đem lại cho con người hạnh phúc - mặc dù ban đầu không hiểu rõ tại sao. Nhưng tôi luôn tin có một quy luật gì đó ẩn sau tất cả những điều đó, vì tất cả đều khuyên ta cho nhiều hơn nhận.

    Tôi còn là người thực dụng nữa, không bao giờ làm những việc tôi biết không đem lại gì cho mình. Ngay cả khi giúp một ai, thì chỉ đơn giản là vì tôi quý người ấy, tức là đổi lại sự giúp đỡ là sự thoải mái trong tâm hồn. Đơn giản vậy thôi.

    Nói tóm lại tôi sống thực tế, thực dụng và ích kỷ. Và vì thế tôi đã sống với nhiều đòi hỏi nhận hơn cho. Nhưng bây giờ khi đã bớt ngu đi chút, tôi lại tin rằng phải cho nhiều hơn nhận. Nghe thật nghịch lý phải không?

    Cho và nhận:
    Tại sao lại phải cho đi? Cái tôi cần chả phải còn chưa đủ hay sao mà phải cho đi?
    Chà, biết nói thế nào nhỉ: càng cho nhiều, bạn lại càng nhận lại nhiều hơn.
    Đó là quy luật của cuộc sống - quy luật cho và nhận.

    Kinh doanh
    Tôi dần nhận ra điều này khi bắt đầu đi thực tập ở một công ty nhỏ. Kinh nghiệm chuyên môn tôi thu được trong thời gian đó không phải là ít, nhưng một kinh nghiệm còn đáng giá hơn nhiều là kỹ năng mềm - trong giao dịch, buôn bán. Mọi mối hàng hầu hết đến từ khách hàng cũ, hoặc được khách hàng cũ giới thiệu. Và điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là không một khách hàng nào đòi tiền môi giới, thậm chí khi có một mối làm ăn, một dự án có thể sinh lời, thông tin được chia sẽ một cách thoải mái mà không đòi hỏi bất kỳ thứ gì. Từ cả hai phía.

    Thực tế trong kinh doanh nói riêng, và xã hội nói chung: luôn có hai nhóm người: những người tử tế và giữ chữ tín và số còn lại: những kẻ lừa đảo hoặc đỉa đói, ăn bám, lợi dụng đục nước béo cò... Nhưng những người ở nhóm 2 thường không tồn tại được lâu, bởi vì bộ mặt thật không sớm thì muộn sẽ bị lộ tẩy, những cá nhân này sẽ dần bị cô lập và khai trừ - còn nhóm 1 mỗi lần sau một giao dịch thành công và uy tín, họ thường giới thiệu nhau cho những cá nhân uy tín khác. Và vì thế nhóm này càng ngày càng mạnh hơn. Trong giới kinh doanh dần dần đa số chỉ còn những người có uy tín. Cái này tôi gọi là sự chọn lọc tự nhiên trong kinh doanh.

    Và khi bạn nằm trong số những người có uy tín đó rồi, thì một nguyên tắc bắt buộc là sự hào phóng mà không đòi hỏi - vì khi đã làm ăn với một người có uy tín, khi họ nhận của bạn một đồng, họ sẽ tìm cách để trả lại bạn hơn một đồng. Không có ai ghi sổ ở đây, không có sự ràng buộc trên giấy tờ, nhưng nó luôn xảy ra như thế. Bởi vì họ có uy tín.

    Đời sống
    Tuy nhiên, khi nhìn lại kỹ hơn, tôi nhận ra nguyên tắc này không hề bó hẹp trong kinh doanh. Những gì tôi quan sát được trong đời sống hàng ngày: bạn bè giúp đỡ nhau, gia đình giúp đỡ nhau – không phải là sự lợi dụng hay có vay có trả sòng phẳng. Tôi chưa thấy ai bỏ sức ra dò xét xem ai đã làm gì cho ai, hay lên kế hoạch để bảo đảm một đồng bỏ ra là phải có ít nhất một đồng quay về.
    Chưa bao giờ.

    Vòng tròn khép kín:
    Theo thời gian, tôi nhận ra rằng khi ta dang tay giúp đỡ làm thay đổi cuộc đời người khác, thì ta cũng đang khám phá, học hỏi và làm thay đổi cuộc đời chính mình; đó chính là bước xây dựng có chủ đích cho chính cuộc đời mình. Một khi tôi đã nhìn nhận những nỗ lực xây dựng mối quan hệ theo hướng này, tôi cho phép bản thân mình được thực hành một cách hào phóng trong mọi ngõ ngách của cuộc đời mình, trong công việc và trong đời sống riêng . (Never eat alone - Keith Ferrazzi)

    Từ khi lên diễn đàn, tôi lại tìm thấy một thú vui nữa là viết bài. Trước kia khi ngồi suy ngẫm mấy vấn đề linh tinh, tôi chẳng bao giờ lấy giấy bút ghi lại cẩn thận, và do đó, gần như chưa bao giờ suy nghĩ được một cách thấu đáo và tìm thấy câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi của mình.

    Tôi ít khi đếm like lol. Nhưng lại hay đọc đi đọc lại những lời khen tặng của mọi người. Có bạn khen tôi chịu thức đêm viết bài cho mọi người - tôi nghe cũng thích lắm. Nhưng bạn ấy không biết rằng khi làm như thế tôi cũng đã nhận lại rất nhiều rồi. Khi được mọi người ủng hộ, tôi lại được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin - tăng cường và củng cố giá trị cốt lõi của mình. Như thế tôi lại cố gắng viết nhiều bài hơn, với chất lượng tốt hơn - kiến thức và kinh nghiệm - giá trị cá nhân cũng theo đó mà gia tăng. Và từ đó lại sinh ra giá trị xã hội: những bài viết mới cho diễn đàn.

    Một vòng tròn hoàn hảo phải không?

    Tóm lại, nếu bạn là người hào phóng và cao thượng - hãy sống như vậy đi - bạn đã làm rất đúng.
    Còn nếu bạn chỉ là một thằng sống thực dụng và ích kỷ như tôi, thì càng phải cho đi nhiều hơn, bởi vì chúng ta đã bỏ phí quá nhiều rồi!
     
    Last edited by a moderator: 26/3/17
    No call, Hoang.vu, qthinhweb and 10 others like this.
    Đang tải...
  2. Sói Già

    Sói Già

    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    1
    Giới tính:
    Nam
    Cảm ơn bạn. Bạn viết hay lắm.
     
    Hi.Quyên thích bài này.
  3. Sát Thần

    Sát Thần

    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    15
    Điểm thành tích:
    8
    Giới tính:
    Nam
    Đây là lần thứ 5 em tìm và đọc lại bài này. Bài viết giúp em học hỏi được rất nhiều điều.
    Cảm ơn anh vì bài viết =)
     
    Hi.Quyên thích bài này.
  4. 8lack5tar

    8lack5tar

    Bài viết:
    4
    Đã được thích:
    6
    Điểm thành tích:
    3
    Giới tính:
    Nam
    Bài viết rất hay, giúp mình hiểu rõ giá trị của bản thân hơn. Cảm ơn bạn nhiều nhé!
     
  5. Hoang.vu

    Hoang.vu

    Bài viết:
    3
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    Giới tính:
    Nam
    cảm ơn b nhiều. đọc xong bài này mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. rõ ràng giá trị của bản thân mỗi người ở trên cả 3 mặt: cốt lõi, cá nhân và xã hội đều từ trong suy nghĩ của chính họ. muốn cải thiện giá trị bản thân thì không có cách nào khác ngoài việc trau dồi tri thức và trải nghiệm xã hội
     
  6. sh_hikaru

    sh_hikaru

    Bài viết:
    10
    Đã được thích:
    4
    Điểm thành tích:
    3
    Giới tính:
    Nam
    cảm ơn bạn
     

Chia sẻ trang này