Hăm hở cắn môi vung những đấm mạnh nhất, tôi quá chú tâm đến nỗi không nhận ra thầy đang đứng bên cạnh, cho đến khi cảm nhận thấy một bàn tay gầy đang nắm chặt lấy bắp tay mình. "Cơ bắp của trò chắc khỏe đấy, nhưng trò đang dùng nó sai cách. Nắm đấm quá cứng, cơ bắp quá căng - nhiều lúc dồn hết sức không phải là cách tốt nhất, mà phải thả lỏng một chút. Một đường quyền hoàn hảo không chỉ là sức mạnh cơ bắp, mà còn là tốc độ và sự chính xác nữa … Để ta giải thích rõ hơn: nếu cứ cố cắn răng để đấm cho mạnh, cho nhanh thì đòn của trò sẽ yếu, thiếu chính xác, thiếu tốc độ - cơ căng thế này sao mà ra đòn nhanh được? Dồn sức quá khi vung tay sẽ dễ mất đà, mất cân bằng. Cơ bắp càng căng thì lại càng dễ chấn thương, đấy là còn chưa kể sau này còn rất hại cho xương khớp… Nghe thì có vẻ phức tạp đấy, nhưng khi trò đấm sai, trò chắc chắn sẽ cảm nhận được sự khó chịu trong từng thớ thịt. Ngược lại nếu trò làm đúng - trò sẽ cảm thấy thực sự thoải mái." Nói xong, bước được mấy bước - dường như quên mất điều gì đó, ông cụ lại quay lại nhìn tôi nói tiếp: "Điều đó luôn đúng, không chỉ giới hạn trong võ đường, mà là trong cả cuộc sống nữa …" Nháy mắt với tôi, ông cụ lại chắp tay sau lưng, quay sang những học trò khác. Chuyện đã lâu, tôi cũng ngừng Karate đã được hơn 2 năm - các bài quyền cũng quên gần hết (cũng phải: "Karate cũng như nước nóng, không đun thường xuyên nước sẽ lạnh" mà) - duy có những lời thầy nói hôm ấy tôi sẽ không bao giờ quên. Lội ngược dòng về hiện tại, những suy nghĩ về một câu hỏi lớn đã khiến tôi nhớ lại câu chuyện cũ năm nào. Câu hỏi đó là: "Liệu có nên luôn là chính mình ?" Bạn khao khát được trở thành một người đàn ông thực thụ như bạn hàng ao ước. bạn lập ra một danh sách nhưng "thần tượng" , những hình mẫu mà bạn muốn trở thành, bạn bắt chước mọi hành động, cử chỉ, suy nghĩ của họ - rồi sau một thời gian ngắn, bạn vỡ mộng. Hình tượng người ấy khi bạn nhìn sao mà tự nhiên, tuyệt vời đến thế - nhưng đến khi áp dụng vào chính mình bạn lại cảm thấy vô cùng kệch cỡm, vô cùng khó chịu. Dường như có cái gì đó không ổn ở đây mà chính bạn cũng không thể nhận ra. Cuối cùng bạn lại tặc lưỡi : "đúng là chẳng có gì hơn khi là chính mình" - và rồi từ bỏ, không cố gắng nữa. Sự thật: công thức "luôn là chính mình" chỉ đúng - khi bạn hiểu chính xác bạn là ai, thế mạnh của bạn là gì và làm thể nào để phát triển và thể hiện nó một cách tốt nhất? Tất nhiên, đó không phải là cách để ngụy biện cho sự yếu kém và tính thiếu kỷ luật trong quá trình hoàn thiện bản thân. Do đó, thay vì "cứ luôn là chính mình" - bạn phải tập trung vào việc phát hiện và xây dựng những mặt tốt nhất của bản thân, từ đó xây dựng nên một con người lý tưởng của riêng bạn. Tất cả - có thể đúc kết lại bằng điều duy nhất mà thôi: Hiểu - chính - mình. Tin vui là bạn càng hiểu bản thân, bạn càng yêu quí chính mình hơn, tự tin hơn, lạc quan hơn và biết cách làm bản thân hạnh phúc hơn. Tin buồn là việc hiểu rõ chính mình hoàn toàn không dễ dàng như người ta vẫn nghĩ. Món quà là vô giá nhưng cũng cần cả một quá trình lâu dài để chạm đến được. Tôi thực sự tin rằng mỗi người trong chúng ta là một cá thể duy nhất trong vụ trụ mà không ai có thể bắt chước được. Bạn không thể trở thành một Alpha bằng cách bắt chước hoàn toàn các Alpha khác. Bạn phải xác định một hướng đi riêng cho mình. Vậy làm thế nào để biết mình đang đi đúng hướng? Những gượng gạo ban đầu phải chăng là dấu hiệu rằng tôi đang đi sai đường, hay chỉ đơn giản là những cảm xúc thoáng qua - sẽ dần mất đi theo thời gian? Trả lời câu hỏi này thực ra rất đơn giản: bạn chỉ cần đặt những sự lựa chọn của mình lên "bàn cân cảm xúc" - và bạn sẽ có đáp án của mình. Hãy tưởng tượng, bạn vốn là một người ít nói, sống nội tâm - và được khuyên rằng nên hoạt ngôn và cởi mở hơn. Nhưng mỗi khi mở lời thì một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm bạn, giọng nói bạn ấp úng, cử chỉ bạn khiên cưỡng, gò má bạn đỏ bừng và dường như mọi con mắt đang khám xét bạn từ đầu đến chân ... Và bạn tự hỏi mình: liệu mình có nên cố gắng hoạt ngôn hơn hay chỉ đơn giản ngồi một chỗ như bình thường? Lúc này bạn hãy thử tự vấn bản thân: được nói chuyện vui vẻ và kết giao với mọi người, hay là trầm ngâm một góc với những công việc và suy ngẫm của riêng mình - cái nào làm bạn vui thích và thoải mái hơn? Nếu như câu thứ nhất là đáp án, thì câu hỏi lúc này không phải là có nên nói chuyện hay không nữa - mà là nói chuyện như thế nào? Lúc này bạn lại có những sự lựa chọn mới để đưa lên "bàn cân": nói chuyện hoạt bát mạnh bạo hay là nhẹ nhàng tinh tế, dí dỏm hài hước hay là gần gũi thân thiện, ... Nếu bạn không thử, bạn sẽ không bao giờ biết đâu là sự lựa chọn thích hợp nhất đối với mình. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của chính mình những ngày đầu vào cấp 3. Bỡ ngỡ, nhút nhát - hầu như chỉ chơi với lũ bạn trong lớp mà tránh xa mọi hoạt động của trường. Có lẽ điều đó đến ngày hôm nay cũng không thay đổi nhiều nếu như không có một sự nhầm lẫn "nho nhỏ" đáng nhớ năm ấy... Run run nắm chặt tờ giấy của bài thuyết trình đã chuẩn bị ở nhà, tôi cố gắng dằn từng câu từng chữ một cách khó khăn. Tim đập loạn nhịp, bờ môi khô khốc. Tôi cứ tưởng chỉ phải thuyết trình trước lớp thôi chứ ... Một lần nữa tôi ngó xuống khán đài: hàng trăm con mắt xa lạ đang nhìn mình - cả khối đang theo dõi tôi một cách chăm chú. Lúc này tôi không còn cách gì hơn là đọc mấy trang giấy đầy chữ như một con vẹt... Nhưng sau khi hết trang đầu tiên, một cảm giác kỳ lạ khác đến với tôi - tôi nhận ra một trải nghiệm chưa từng có trong đời: Những suy nghĩ tâm huyết nhất (cho dù mới chỉ của một thằng học sinh lớp 10 - đầy lý tưởng và mơ mộng) của tôi, giờ đây đang được chia sẻ đến hàng trăm người! Những đôi mắt kia dường như không còn đáng sợ nữa. Cứ hết mỗi đoạn - tôi dừng lại một chút để nhìn vào những đôi mắt ấy... Và tôi có thể cảm nhận được nó: niềm hạnh phúc khi được kết nối và chia sẻ lý tưởng của mình. Thật kỳ diệu. Vậy bạn đã có câu trả lời rồi đó: "Nếu bạn làm đúng - bạn sẽ cảm thấy thực sự hạnh phúc."
https://t.me/pump_upp - best crypto pumps on telegram Make 1000% and more within 1 day, join channel @pump_upp !